Dưới đây là cuộc trò chuyện thú vị giữa tôi và một vị khách hàng lớn tuổi người Úc, lúc tôi còn làm việc ở công ty cũ. Sau này suy ngẫm lại, tôi nhận ra rằng sự xuất hiện của ông rất đúng người, đúng thời điểm khi mà tôi đang ở giai đoạn mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn với hàng loạt câu hỏi về bản thân và cuộc sống. Ông ấy là người truyền cảm hứng cho tôi nhiều nhất và giúp thay đổi cuộc đời của tôi. Tôi luôn biết ơn vì điều đó.
► Tên ông là Paul O’Hare, một giáo sư trên 70 tuổi đã về hưu (Xin thứ lỗi đã dùng tên thật của ông). Có lẽ sẽ có vài bạn sinh viên ở khu vực phía Bắc, Huế và Đà Nẵng từng nghe qua hoặc đã được học lớp của ông.
Như trước đó đã chia sẻ trong bài viết “Ổn định theo cách của riêng mình”, hôm nay tôi sẽ đi sâu một chút vào công việc cũ của tôi.
Thật ra tôi được biết ông lần đầu tiên là cách cuộc trò chuyện đó 1 năm khi đi cùng với anh đồng nghiệp ra quán cf để quan sát và học hỏi thêm về cách tư vấn cho khách hàng nước ngoài. Tuy nhiên cuối cùng tôi lại chọn ngồi một mình một bàn và để hai người ngồi phía trong trò chuyện với nhau. Thú thực là tôi đã có sự chủ quan khi nghĩ rằng chắc cũng như những vị khách nước ngoài khác mà tôi đã từng tư vấn trước đó mà thôi.
Tôi không nghĩ là hai người lại nói chuyện với nhau lâu tới tận 2 tiếng đồng hồ như vậy. Sau khi kết thúc, anh đồng nghiệp chỉ cho ông về phía tôi đang ngồi và giới thiệu rằng tôi là một nhân viên trẻ tập sự và hơi ngại ngùng nên ngồi ngoài. Tôi giật thót mình vì tự ái và bấm bụng rủa: “Ông này nói gì kỳ vậy ?!”. Ông Paul ngay lập tức tiến lại phía tôi với vẻ mặt thân thiện và nói “Xin chào” bằng tiếng Việt với một giọng lơ lớ. Tôi bối rối và vội bắt tay chào lại ông. Tôi không hiểu tại sao lúc đó mình lại như vậy nữa, mặc dù đây không phải lần đầu tiên tôi giao tiếp với người nước ngoài. Ông lại chuyển sang nói giọng Anh - Úc (Pha chất giọng gì đó tôi không rõ) :
- Sao cháu không lại đây và tham gia cùng tụi ta ? Đáng lẽ cháu nên tận dụng cơ hội này để được nói chuyện nhiều hơn chứ ?
Tôi mất vài giây suy nghĩ và đáp:
- Ừmm... cháu muốn… ừm…ngồi ngoài quan sát và…à… để hai người có không gian riêng nói chuyện.
Ông nheo mắt “cười tinh nghịch”, nói:
- Ồ không không, cháu phải nói chuyện nhiều hơn để có thêm tự tin. Đừng bỏ lỡ cơ hội nào hết.
Tôi chỉ biết ậm ừ đồng tình với ông. Sau đó ông hỏi thêm về tuổi tác, học vấn và công việc hiện tại của tôi. Ông còn hỏi tôi học tiếng Anh ở đâu vì thấy tôi nói khá tốt. Lúc ra về ông chủ động hỏi thông tin liên lạc để lúc khác lại gặp gỡ và trò chuyện. Tôi gửi cho ông card visit và nói rất vui được làm quen với ông. Đến lúc ra về tôi có thêm bất ngờ khi thấy ông dắt chiếc xe đạp ra. Tôi hỏi có phải vì ông muốn luyện tập sức khỏe không, ông trả lời rằng:
- Có lẽ là một phần, thật ra ngày nào ta cũng đạp xe vài vòng ở quanh khu vực An Thượng (Đà Nẵng) để có thể ngắm biển một cách chậm rãi.
Tôi bất ngờ vì lần đầu tiên được gặp một vị khách hàng nhiệt tình như vậy, lại còn khiến mình cảm thấy tự tin hơn vào bản thân nữa chứ. Sau lần đó tôi quyết định trau dồi thêm vốn từ thuộc nhiều lĩnh vưc vì tôi thấy trò chuyện với họ khá thú vị. Ngôn ngữ là công cụ để biểu đạt tâm tư, tình cảm chứ không chỉ để phục vụ cho công việc.
Thấm thoát 1 năm sau, anh đồng nghiệp của tôi nghỉ việc càng tiếp thêm động lực thôi thúc tôi đi tìm ý nghĩa cuộc sống và làm chủ cuộc đời của mình. Hợp đồng của vị khách hàng này do tôi tiếp quản sắp đến hạn tái tục. Tôi chủ động gửi email thông báo cho ông về thời hạn và những thay đổi trong hợp đồng mới. Tôi để ý thấy những email cũ mà anh đồng nghiệp gửi cho ông thường hay xưng là bác Paul. Điều này làm tôi cảm nhận được sự gần gũi, thân thiện của người đàn ông đáng kính ấy. Sau đó bác Paul đã phản hồi và hẹn gặp ở quán CF Trung Nguyên Legend (Từ lúc này xin phép gọi là bác Paul).
Ở lần tái ngộ này, tôi đã là một người mới mẻ với tâm thế chủ động hơn và trong đầu chất chứa nhiều câu hỏi cần lời giải đáp. Tôi đến trước, gọi đồ và ngồi quan sát quán cf trong lúc chờ đợi. Trước giờ những người trẻ như tôi hiếm khi vào những quán cf mà người ta hay kháo nhau là dành cho dân sành cf chính hiệu này. Bởi vì những quán đó thật sự yên tĩnh với không gian thoáng đãng để thưởng thức cf, khác hẳn với những quán dành cho giới trẻ. Cuối cùng thì bác Paul cũng xuất hiện cùng với chiếc xe đạp giống như năm ngoái. Tôi đi ra bắt tay chào hỏi và dẫn bác vào chỗ mình ngồi.
Tôi lấy tệp hợp đồng ra và đưa cho bác xem. Rất nhanh, bác chỉ lướt qua và hỏi về một số chi tiết nho nhỏ sau đó đặt bút ký bởi vì trước đó tôi đã gửi bản mềm qua email và trao đổi khá nhiều với bác rồi. Đây là điểm tôi rất thích khi làm việc với người nước ngoài: Họ rất rõ ràng, sòng phẳng ngay từ ban đầu. Nếu có chỗ nào chưa rõ, họ sẽ hỏi thật cặn kẽ và kiểm tra hợp đồng rất kỹ trước khi đặt bút ký.
Phần công việc đã xong, thông thường thì tôi và khách hàng thăm hỏi vài câu xã giao rồi chào nhau về. Nhưng lần này tôi đã bị cuốn vào những câu chuyện của bác Paul chia sẻ. Có lẽ bởi vì cách trò chuyện lịch thiệp mà gần gũi của vị giáo sư nhiều kinh nghiệm sống đã trãi qua phần lớn đời người. Giữa chúng tôi dường như đã xóa nhòa ranh giới giữa khách hàng và người tư vấn bán hàng. Chúng tôi nói chuyện cởi mở với nhau như 2 người bạn, một già một trẻ.
Tôi hỏi bác đã ở VN lâu chưa, bác trả lời rằng đã nhiều năm rồi. Bác là người gốc Ireland (Tôi cũng đã đoán vậy thông qua cái tên), đến khoảng năm hai mươi tuổi bác mới chuyển đến Úc làm việc và định cư tại đây. Đây là lý do vì sao chất giọng của bác đặc biệt như vậy. Nghe tới đây, tôi hiểu rằng bác chính xác là người tôi cần tìm kiếm bấy lâu. Tôi hỏi về những điều bác đã trãi qua và giống như chiếc đài bắt được sóng yêu thích, bác say xưa kể cho tôi cuộc hành trình của mình từ hồi trẻ cho đến khi về già.
Khi còn là thanh niên, bác cũng từng trãi qua thời điểm không có định hướng như bao người khác. Ở quê nhà lúc đó tìm một công việc để duy trì cuộc sống qua ngày thì quá nhàm chán, bác quyết định đến Úc bởi vì khí hậu ấm áp hơn, phong cảnh đẹp và cũng là nơi có những thành phố được mệnh danh là đáng sống bậc nhất trên thế giới. Rồi bác cũng lập gia đình, sinh con và cuộc sống cứ êm đềm như vậy cho đến một ngày vợ bác mất. Từ đó bác quyết định ở vậy nuôi con và đối với bác khi đó, gia đình là điều ý nghĩa nhất.
Những đứa con rồi cũng đã lớn, rời vòng tay của bố và tự do bay nhảy để sống cuộc đời chúng mong muốn. Lúc này bác cũng đã nghỉ hưu, đã có tài sản, nguồn thu nhập ổn định hàng tháng và chế độ bảo hiểm cực tốt của chính phủ Úc.
Đột nhiên bác mở to mắt và nhún vai thốt lên câu hỏi đó. Bác đã hoàn thành những mục tiêu của hàng chục năm trước đây. Đã nuôi dạy con cái thành công, chúng đã đi làm xa và bản thân bác đã có tài chính ổn nhưng tại sao giờ đây bác lại cảm thấy trống rỗng, vô vị ?
Bác kể rằng 1 lần trong bữa tiệc với mấy người bạn, có người đã gợi ý bác hãy qua các nước (Trong đó có Việt Nam) để giảng dạy thử xem. Bác nhận lời, và phần còn lại chính là ý nghĩa xuyên suốt của cuộc đời bác.
Bác nói với tôi rằng cuộc đời giống như một cuộc sách có nhiều chương, mỗi chương đều có một ý nghĩa riêng và chúng liên kết với nhau theo một cách thức thú vị. Cuốn sách này đặc biệt ở chỗ ngay từ ban đầu chúng ta không hề biết đặt tên hay chủ đề gì cho cuốn sách nhưng chúng ta vẫn cứ viết. Cho đến một lúc nào đó khi đọc lại từng chương thì cuối cùng chúng ta lại hiểu ra được ý nghĩa xuyên suốt của nó.
Bác sang Việt Nam để tìm kiếm thử thách và những điều mới mẻ. Trước đây bác có dạy ở khu vực phía Bắc, sau đó ở Huế và cuối cùng là dừng chân tại Đà Nẵng. Bác nhận ra rằng: wow, không thể ngờ lại có vùng đất với nền văn hóa khác biệt như vậy, điều mà bác chưa bao giờ được trãi nghiệm khi còn ở Úc. Bác yêu văn hóa và con người Việt Nam đến nỗi đã có người vợ thứ hai là người Việt mà bác thường gọi yêu là “bà xã”.
Bác bộc bạch với tôi tâm nguyện của mình là muốn Việt Nam phát triển hơn nữa. Bác nhận thấy vấn đề của thế hệ trẻ Việt Nam là thiếu tự tin bởi sự bao bọc thái quá của phụ huynh và áp lực thi cử. Một trong những cách bác đã làm đó là giảng dạy tiếng Anh cho thanh, thiếu niên Việt Nam theo những phương pháp mới, đó là: Trò chuyện và kết nối với nhau nhiều hơn để tạo sự tự tin. Người Việt mình hay bị xấu hổ vì sợ nói sai ngữ pháp hay là phát âm không “chuẩn” người bản xứ nhưng chúng ta lại không biết rằng ngay cả người bản xứ còn nói sai nhiều hơn mình. Tôi không nghĩ là một người nước ngoài lại có thể bắt mạch được đúng căn bệnh ở Việt Nam mình như vậy.
Bác còn hỏi tôi có hay đọc sách không, vì cảm thấy dường như người Việt mình ít đọc. Các thư viện thường hiếm khi nào có nhiều người vào tìm kiếm và đọc sách. Nhờ bác mà tôi mới biết thêm lý do vì sao bên đó các sinh viên năm cuối hoặc mới ra trường thường dành ra 1 năm để đi trãi nghiệm văn hóa các nước trên thế giới. Đó là vì thanh, thiếu niên bên đó từ nhỏ được đọc nhiều và được tạo môi trường khích lệ sự khám phá bản thân. Bác có nhắc đến thiền sư Thích Nhất Hạnh và tiết lộ mình đã đọc một số quyển sách về triết lý Phật giáo, mặc dù bác là người Công Giáo. Nhờ đọc những quyển sách này mà bác đã ngộ ra được nhiều chân lý và tìm thấy mục đích sống của mình. Tôi hiểu tâm nguyện của bác còn muốn hướng người trẻ Việt Nam cũng nên sớm tự đặt ra những câu hỏi về sự sống và cuộc đời của mình để từ đó mới có động lực đi tìm câu trả lời, càng sớm càng tốt. Đọc sách là một trong những cách dễ nhất.
Tôi hỏi bác về dự định trong tương lai khi tuổi cao và sức khỏe yếu dần, liệu bác sẽ ở lại VN hay về nước ? Bác nói bác thậm chí còn không nghĩ nhiều về cái chết cơ. Tôi cũng nghĩ vậy, bởi vì cuối cùng bác cũng đã thực hiện được mục đích sống của mình và sống gần hết đời người. Có thể là bác sẽ trở lại Úc vào một ngày và được nằm cạnh người vợ cũ sau khi mình mất. Bác đã từng dẫn người vợ thứ hai đến thăm mộ bà ấy. Bác không nói gì nhiều cả, vì bác muốn cô ấy ngầm hiểu gia đình có ý nghĩa với mình như thế nào.
Cuốn sách nào cũng phải có một cái kết, chẳng ai muốn cuốn sách của mình dang dở cả. Nhưng chúng ta có quyền chọn cho nó một cái kết mở. Điều quý giá nhất của một đời người chính là di sản anh ta để lại và di sản này sẽ được những hậu bối tiếp tục. Chết cũng không phải là hết, nó chính là sự sinh sôi nảy nở của những dạng sống khác. Đó cũng chính là cách mà sự sống này tồn tại và phát triển.
Có hằng hà sa số các vũ trụ, hầu hết đều không hỗ trợ sự sống, nhưng ở trong một xác xuất rất nhỏ sẽ tồn tại ít nhất một vũ trụ có hành tinh hội tụ đầy đủ yếu tố cấu thành nên sự sống. Và đó là vũ trụ của chúng ta. Dĩ nhiên sự sống này mỏng manh, dễ dàng bị phá hủy bởi bất kỳ yếu tố bên ngoài nào. Vì vậy có thể nói rằng đối với vũ trụ thì sự sống chỉ như một cái chớp mắt, thật sự không có ý nghĩa gì. Chính chúng ta mới tự định nghĩa nên cuộc đời của mình mà thôi.
Nếu như chúng ta được sinh ra trên đời nhưng chỉ sống vì bản thân thì xem như chúng ta vô giá trị với tất cả các sinh mệnh còn lại. Khi đó hãy tự đặt câu hỏi rằng nếu như vậy thì thà ngay từ đầu mình không được sinh ra có phải sẽ tốt hơn không ? Vì sống mà phải luôn tìm cách để bản thân được tồn tại và duy trì sự sống thì thật sự vô nghĩa. Mỗi một linh hồn được tái sinh trong hình hài này đều mang một sứ mệnh riêng. Khi đã thấy được sứ mệnh này và nguyện thực hiện nó nghĩa là chúng ta cũng đã tự viết nên ý nghĩa cuộc đời của chính mình.
Đó là một trong những điều nho nhỏ mà tôi học được thông qua cuộc đời của bác Paul và những quyển sách mà bác đã gợi ý.
Everything happens for a reason, a season or a lifetime.
Sau này tôi mới nhận ra lúc tôi bắt đầu khao khát tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi trong đầu thì những manh mối lần lượt xuất hiện và ánh sáng cũng bắt đầu hé lộ dần. Mỗi người mà tôi gặp, mỗi sự kiện xảy ra trong cuộc đời tôi đều có lý do của nó và những điều này khéo léo dẫn lối cho tôi đi đến mục đích của mình. Giống như cái cách bác Paul xuất hiện và “khai sáng” cho cuộc đời tôi vậy.
Đây là bài học mà theo tôi là có tính bước ngoặc. Từ đó trở về sau trong đầu tôi luôn luyện tập để giữ cho mình lối suy nghĩ đó. Nhờ vậy mà tôi dần dần sống một cách bình thản đón nhận mọi thứ xảy ra như một điều tất yếu, mọi phiền não cũng không còn nhiều nữa.
Bác Paul không nói rõ ý nghĩa cuộc sống của mình là gì. Nhưng theo tôi phỏng đoán, đó có thể là: Sự giao tiếp để kết nối tâm hồn, trãi nghiệm để thấu hiểu, cho đi để lan tỏa điều tốt đẹp và cuối cùng là để lại di sản. Tôi chính là một trong những người tiếp nhận di sản đó và từ đây tôi sẽ tiếp tục định nghĩa nên cuộc đời của chính mình. Vậy là bác Paul đã có một cuộc đời viên mãn dù chỉ nhận ra ý nghĩa cuộc sống sau khi về già.
Cuộc trò chuyện này cứ như định mệnh vậy. Bác Paul nhìn thấy thời trai trẻ của mình ở nơi tôi, còn tôi thì nhìn thấy hiện tại và tương lai của mình ở trong ánh mắt hy vọng của ông ấy. Tôi cũng đã hiểu vì sao anh đồng nghiệp cũ cũng đã quyết định nghỉ việc để đi tìm lẽ sống của mình.
Cảm ơn bác Paul vì tất cả.
Nguồn : The Silence
► Du học Emmanuel xin chân thành cảm ơn sự quan tâm, đóng góp và ủng hộ của các bạn trong suốt thời gian qua. Emmanuel sẽ luôn luôn phấn đấu trở thành trung tâm du học uy tín và chất lượng hàng đầu Việt Nam.
Đăng ký ngay hôm nay để được tư vấn du học miễn phí, hãy nhấc máy và gọi ngay cho chúng tôi theo số
096.192.9998 để được nhận những ưu đãi cực kỳ hấp dẫn bạn nhé!